“Đến bây giờ chúng tôi mới cảm thấy “tảng đá” mắc ca đã có động lực để tự lăn” – ông Huỳnh Ngọc Huy, Tổng Thư ký Hiệp hội mắc-ca nhận định khi kể về quá trình thúc đẩy, phát triển cây “tỷ đô” trong buổi gặp gỡ Nhân Dân điện tử nhân dịp Tết đến, xuân về.
Phóng viên: Được biết cây mắc-ca đã vào Việt Nam từ 20 năm trước, nhưng tại sao chỉ 5 năm qua, cây trồng này mới hoàn thành giai đoạn thử nghiệm và nghiên cứu bài bản?
Ông Huỳnh Ngọc Huy: Cây mắc-ca được xác định là một cây lâm nghiệp đa mục đích, có tiềm năng sinh trưởng tốt, hiệu quả kinh tế xã hội môi trường cao, có thể phát triển tập trung quy mô hàng hóa lớn.
Cây mắc-ca vừa có thể trồng rừng phòng hộ đầu nguồn góp phần nâng tỷ lệ che phủ của rừng, bảo vệ môi trường sinh thái, và trồng ở vùng biên giới và đồi núi cao tạo màu xanh kinh tế nhằm nâng cao đời sống cho đồng bào, chiến sĩ vùng biên cương góp phần ổn định an ninh quốc phòng; vừa có thể trồng tập trung trong các vườn rừng, vườn nhà hoặc trồng xen canh trong nương rẫy với các cây ăn quả, cây công nghiệp khác, đem lại hiệu quả kinh tế.
Ngay tại Australia, cây mắc-ca cũng được xác định là cây lâm nghiệp đa mục đích vừa để trồng rừng, vừa phát triển kinh tế. Ngoài ra, hạt mắc-ca là loại hạt khô, dễ thu hoạch, vận chuyển, bảo quản và chế biến, sau khi thu hoạch hạt mắc-ca có thể bảo quản trong thời gian dài để các doanh nghiệp và người dân có thể chế biến dần.
Theo số liệu của Hội đồng hạt quả khô thế giới (INC), sản xuất mắc-ca trên toàn cầu vẫn giữ được tốc độ tăng trưởng qua hàng năm.
Tổng sản lượng trong mùa vụ năm 2019 lên tới hơn 60.000 tấn nhân, đạt mức tăng trưởng khoảng 9%/năm, đứng đầu là Nam Phi và Úc chiếm tương ứng là 29% và 22% thị phần thế giới. Tuy nhiên, dù liên tục tăng trong những năm qua nhưng sản lượng mắc-ca mới chỉ chiếm 1% tổng sản lượng tiêu thụ các loại hạt trên thế giới.
Nhiều chuyên gia của Hiệp hội quả khô thế giới (INC) đã đánh giá tương lai ngành công nghiệp mắc-ca có triển vọng chiếm 5% tổng sản lượng tiêu thụ các loại hạt trên thế giới.
Giá hạt mắc-ca cũng đang có xu hướng tăng trên thế giới. Xu hướng về giá hạt mắc-ca thu mua tại vườn liên tục tăng trong vòng 30 năm (từ hơn 2 AUD/kg vào năm 1990 tăng lên hơn 6 AUD/kg vào năm 2020).
Mức tăng này chủ yếu đến từ các thị trường mới, nơi mà thu nhập của người dân đang được cải thiện và bản thân hạt mắc-ca đã được chứng minh có lợi cho sức khỏe và có hương vị ngon.
Nhận thấy cây mắc-ca là cây có tiềm năng phát triển và giúp xóa đói giảm nghèo cho người dân, từ năm 2016, anh Dương Công Minh – Chủ tịch Hiệp hội Mắc-ca Việt Nam hiện nay, đã vận động Công ty CP Him Lam, Ngân hàng Bưu điện Liên Việt thành lập Hiệp hội Mắc-ca Việt Nam.
Hiệp hội Mắc-ca Việt Nam và Ngân hàng Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank) đã trực tiếp hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc cây mắc-ca cho người dân thông qua hàng trăm cuộc tập huấn đầu vườn để người dân hiểu và nắm bắt được kỹ thuật canh tác từ đó mở rộng vùng trồng mắc-ca.
Tại Tây Nguyên có rất nhiều mô hình tiêu biểu của người dân trồng mắc-ca thành công, đem lại thu nhập hàng trăm triệu đồng/ha và người dân đã có thể làm giàu từ việc trồng mắc-ca, từ đó tạo hiệu ứng cho các hộ dân khác học tập và làm theo.
Bước đầu đã hình thành các mô hình tổ chức sản xuất, liên kết theo chuỗi giữa người dân trồng mắc-ca và doanh nghiệp chế biến sản phẩm tại Đắk Lắk, Đắk Nông, Lâm Đồng, Lai Châu và Điện Biên…
Kết quả đã có 26 cơ sở sản xuất, kinh doanh giống mắc-ca: Tây Bắc và Tây Nguyên có 20 cơ sở (bốn tại Tây Bắc và 16 tại Tây Nguyên) và sáu cơ sở ở các tỉnh khách (ba tại Hà Nội, một tại Thanh Hóa, một tại Nghệ An và một tại Quảng Trị), trong đó có gần 20 cơ sở là hội viên của Hiệp hội, hàng năm có thể sản xuất được khoảng 2,5 triệu cây ghép.
Qua đó góp phần kiểm soát chất lượng cây giống trên thị trường, đồng thời tuyên truyền cho bà con nông dân về tầm quan trọng của cây giống mắc-ca, tránh cho bà con mua phải cây giống trôi nổi, kém chất lượng;
Đã có 23 tỉnh trồng cây mắc-ca với diện tích khoảng 16.500 ha, trong đó có trên 100 hội viên của Hiệp hội, với diện tích khoảng 6.000 ha, chiếm 38% diện tích cả nước; Hiện có trên 19 cơ sở chế biến mắc-ca, có năm cơ sở là hội viên của Hiệp hội mắc-ca, chiếm 80% sản lượng chế biến của cả nước.
Phóng viên: Ông vừa nhắc đến vai trò quan trọng của cây giống mắc-ca, ông có thể chia sẻ thêm về điều này?
Ông Huỳnh Ngọc Huy: Từ khi thành lập đến nay, sau hơn 5 năm hoạt động, Hiệp hội đã phối hợp chặt chẽ với Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NNPTNN) trong việc điều tra, khảo sát, đánh giá, đề xuất các giải pháp về khoa học kỹ thuật và quản lý phát triển mắc-ca.
Nhiều văn bản đã được ban hành kịp thời nhằm định hướng, hướng dẫn các địa phương triển khai thực hiện. Công tác nghiên cứu, chọn tạo giống được quan tâm, nhiều giống mắc-ca đã được công nhận cho từng vùng sinh thái để đưa sản xuất.
Năm 2018, Bộ NNPTNT ban hành Thông tư số 30/2018/TT-BNNPTNT công nhận mắc-ca là một trong 20 loài cây trồng lâm nghiệp chính của Việt Nam.
Căn cứ theo điều 4 trong Thông tư 30 có quy định tiêu chí loài cây trồng lâm nghiệp chính bao gồm hai tiêu chí sau: có giống và nguồn giống đã được công nhận, đáp ứng nhu cầu và mục đích trồng rừng; và có diện tích trồng rừng tập trung từ 02 vùng sinh thái trở lên.
Đây chính là cơ sở pháp lý rất quan trọng và là tiền đề để giải quyết một vấn đề nền tảng khác của ngành hàng mắc-ca – vấn đề giống.
Chỉ khi có Thông tư này, thì các Sở NNPTNT mới có quyền công nhận cây đầu dòng và từ đó có cơ sở pháp lý để triển khai các vườn ươm. Cho đến nay, đã có 13 giống mắc-ca được Bộ NNPTNT công nhận để phát triển vào sản xuất, trong đó có 3 giống quốc gia và 10 giống tiến bộ kỹ thuật.
Trong những năm vừa qua, diện tích trồng mắc-ca ở nước ta đã được mở rộng và tăng lên nhanh chóng, cây sinh trưởng tốt và cho năng suất cao, đặc biệt là ở khu vực Tây Bắc, Tây Nguyên, Đông Bắc và các huyện miền núi của các tỉnh miền Trung.
Phóng viên: Từ nhiều năm nay, nhiều nông sản của chúng ta vẫn thường rơi vào cảnh được mùa, mất giá. Bài toán đầu ra cho các sản phẩm nông nghiệp luôn là mối quan tâm hàng đầu của người nông dân và doanh nghiệp. Vậy, nếu phát triển ở quy mô công nghiệp thì nhiều người lo ngại cây mắc-ca sẽ chịu chung thảm cảnh?
Ông Huỳnh Ngọc Huy: Để phát triển ngành mắc-ca cần phải chú trọng đến liên kết bốn nhà: Nhà nước – Nhà nông – Nhà đầu tư (doanh nghiệp) – Nhà khoa học.
Nhà nước tạo cơ chế chính sách (về đất đai, về hạ tầng, về tín dụng…); Nhà nông sử dụng đất đai, lao động để sản xuất; Nhà đầu tư (doanh nghiệp) cung cấp vốn đầu tư, công nghệ, thu mua, chế biến và kết nối thị trường; Nhà khoa học nghiên cứu và chuyển giao khoa học kỹ thuật cho nhà nông và doanh nghiệp.
Trong đó, Hiệp hội Mắc-ca Việt Nam sẽ nỗ lực đóng vai trò là sợi dây liên kết giữa các nhà và xây dựng chiến lược thị trường cho ngành hàng mắc-ca.
“Hạt mắc-ca là loại hạt khô, dễ thu hoạch, vận chuyển, bảo quản và chế biến, sau thu hoạch hạt mắc-ca có thể bảo quản được thời gian dài để chế biến dần, không như các loại cây ăn quả khác phải sau khi thu hoạch phải tiêu thụ ngay nên có thể hạn chế được tình trạng được mùa mất giá hoặc bị tư thương ép giá”.
Ông Huỳnh Ngọc Huy
Hiệp hội cũng dự kiến sẽ phối hợp Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương soạn thảo một chiến lược về thị trường.
Hiệp hội Mắc-ca cũng xây dựng chính sách bao tiêu sản phẩm để hỗ trợ việc bình ổn giá đối với thị trường mắc-ca trong nước, bảo đảm giá mắc-ca trong nước đạt ít nhất 85% giá mắc-ca tại thị trường Australia trong 10 năm tới.
Vừa qua, trong bối cảnh dịch Covid-19, đã xuất hiện tình trạng ép giá người trồng mắc-ca, chúng tôi cho các doanh nghiệp vay bảy tỷ đồng để thu mua bình ổn giá thì tình trạng đó chấm dứt ngay. Giá rớt không phải do thị trường rớt, mà là do tranh mua tranh bán, có người ép giá.
Phóng viên: Trong thương mại quốc tế, nhiều nông sản của chúng ta đã phải trả giá đắt cho việc thiếu quan tâm, đầu tư xây dựng thương hiệu. Vậy đối với cây trồng mới mắc-ca, chúng ta sẽ làm thế nào, theo ông?
Ông Huỳnh Ngọc Huy: Đúng là có những “vết xe đổ” với nhiều mặt hàng nông sản, nhưng theo chúng tôi, làm được hay không, thành công hay thất bại là do cách làm.
Ngoài điều kiện tự nhiên do thiên nhiên ưu đãi, một điều quan trọng là việc phát triển cây mắc-ca phù hợp với hạ tầng logistics của Việt Nam hiện nay, với đặc điểm là hạt quả khô thu hoạch nhẹ nhàng, dễ chế biến và sơ chế, bảo quản, dễ vận chuyển…
Hiện xu hướng thế giới sẽ sử dụng các sản phẩm hữu cơ nên ngay từ đầu chúng tôi đã định hướng tới việc sản xuất mắc-ca hữu cơ, định hướng tiêu thụ sản phẩm vào các thị trường khó tính như như châu Âu, Mỹ, Nhật Bản, Trung Đông…, từ đó có chiến lược về vùng nguyên liệu, sản xuất, chế biến, phát triển thị trường, dòng sản phẩm, điều tiết giá cả… và tiến tới xây dựng thương hiệu riêng cho mắc-ca Việt Nam
Chúng tôi cũng đã tham khảo các chuyên gia của Australia, họ kiểm soát chặt chẽ việc tăng sản lượng mắc-ca của họ mỗi năm chứ không tăng nhiều, bởi vì với các điều kiện của quốc gia này, nhất là về logistics, họ có thể trồng các loại cây khác có hiệu quả hơn.
Như đã nói, vấn đề quan trọng nhất vẫn là thị trường. Với người nông dân Việt Nam thì trồng trọt không phải là vấn đề, nhưng bài toán là làm sao phải bán được sản phẩm với giá cao.
Quy mô ngành hàng mắc-ca ở Việt Nam chưa lớn, đây chính là cơ hội để chúng ta đi theo cách làm bài bản ngay từ đầu, tránh tình trạng phát triển ồ ạt nhưng manh mún, tự phát như một số nông sản khác.
“Quy mô ngành hàng mắc-ca ở Việt Nam chưa lớn, đây chính là cơ hội để chúng ta đi theo cách làm bài bản ngay từ đầu, tránh tình trạng phát triển ồ ạt nhưng manh mún, tự phát như một số nông sản khác.”
Phóng viên: Với những đặc điểm ưu việt, nhưng như mọi cây trồng khác, cây mắc-ca sẽ luôn phải đối mặt với các nguy cơ về dịch bệnh, thiên tai. Đặc biệt, theo đánh giá của thế giới, Việt Nam ta là một trong những nước chịu ảnh hưởng nặng nề nhất từ biến đổi khí hậu, hạn mặn liên miên. Vậy ông đánh giá thế nào về các điều kiện cơ sở để nông dân chúng ta có thể phát triển mạnh cây mắc-ca?
Ông Huỳnh Ngọc Huy: Cũng giống như các cây trồng khác, cây mắc-ca cũng phải đối mặt với các nguy cơ về dịch bệnh, thiên tai, hạn hán, lũ lụt, biến đổi khí hậu… Vì vậy, Hiệp hội mắc-ca Việt Nam bước đầu đã có những nghiên cứu khoa học về phòng trừ dịch bệnh, ứng phó với thiên tai và biến đổi khí hậu để sẵn sàng việc phát triển ngành mắc-ca bền vững trong tương lai.
Để người nông dân có thể phát triển mạnh cây mắc-ca, chúng tôi nhận thấy khâu giống là quan trọng nhất, bởi là một cây thu hoạch trong nhiều năm nên cây giống tốt mới bảo đảm được chất lượng và năng suất trong nhiều năm. Phân bón là nguồn cung cấp dinh dưỡng chủ yếu cho cây trồng, đóng vai trò hết sức quan trọng trong việc quyết định năng suất của cây. Tuy nhiên người nông dân hiện nay đang thiếu rất nhiều thông tin, thậm chí sử dụng các loại phân bón giả, kém chất lượng.
Để hạn chế việc này hàng năm Hiệp hội đã thường xuyên tổ chức các cuộc Tập huấn đầu bờ hướng dẫn về kỹ thuật trồng, tư vấn về phân bón dinh dưỡng phù hợp cho cây mắc-ca, thậm chí hỗ trợ phân bón cho người dân ở những vùng khó khăn.
Cây mắc-ca là cây rừng, được đánh giá có khả năng chịu hạn tốt, vì vậy sẽ không cần nhiều nước như những loại cây trồng khác như cà phê, sầu riêng…Tuy nhiên để có thể đạt được năng suất, hiệu quả cao nhất thì tưới nước đúng lượng, đúng thời điểm là vô cùng quan trọng.
Một điều kiện thuận lợi khác là người nông dân Việt Nam với truyền thống làm nông nghiệp lâu đời, cần cù và chịu khó rất sẵn sàng tiếp nhận và triển khai phát triển cây mắc-ca.
Người nông dân Việt Nam đã với hàng ngàn năm kinh nghiệm sản xuất nông nghiệp cùng với, những phẩm chất thông minh, sáng tạo, cần cù, chịu khó và tinh thần ham học hỏi đã tiếp nhận rất nhanh với loại cây trồng mới mắc-ca.
Hiệp hội mắc-ca Việt Nam đã tổ chức trên 60 cuộc tập huấn đầu vườn tại 23 tỉnh và đã thu hút được khoảng 9.000 lượt hộ nông dân tham gia rất tích cực và hiệu quả.
Chúng ta đã chuẩn bị trong nhiều năm qua về hành lang pháp lý, công tác giống, truyền thông và đây là thời điểm thuận lợi để sự nghiệp phát triển ngành mắc-ca Việt Nam cất cánh.
“Đây là thời điểm thuận lợi để sự nghiệp phát triển ngành mắc-ca Việt Nam cất cánh” – Ông Huỳnh Ngọc Huy.
Với trách nhiệm của Hiệp hội mắc-ca Việt Nam, trong giai đoạn 2021-2030, Hiệp hội sẽ tiếp tục đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền, tập huấn kỹ thuật cho bà con nhằm mở rộng vùng trồng.
Phối hợp với các thành viên triển khai các mô hình trồng, chế biến mắc-ca hữu cơ, định hướng sản phẩm vào thị trường các nước phát triển như: Mỹ, Châu Âu, Trung Đông, Nhật Bản ….
Xây dựng các nhà máy sơ chế hạt mắc-ca tại các vùng nguyên liệu và các nhà máy chế biến mắc-ca quy mô lớn, hiện đại để sản xuất ra các sản phẩm mắc-ca tinh chế, cao cấp, có giá trị cao.
Xây dựng thương hiệu, hình ảnh cho các sản phẩm mắc-ca Việt Nam và hỗ trợ cho các doanh nghiệp trong việc xây dựng thương hiệu sản phẩm của doanh nghiệp.
Tiếp tục phối hợp với các cơ quan của Chính phủ xây dựng chính sách cụ thể để phát triển mắc-ca tại Việt Nam.